Thiền Đường Liễu Quán I – BRVT

   Nằm ẩn mình dưới những táng cây xanh mát bên chân núi Dinh là ngôi Thiền Đường Liễu Quán I. Ngôi Thiền Đường mọc lên như một nét chấm phá giữa một màu xanh rậm rạp phủ từ trên núi xuống và chạy dọc bao quanh chân núi như một bức tranh thủy mặc xa xưa. Từ Sài gòn đi quốc lộ 51 đến ngã ba Hội Bài, rẽ trái vào khoảng 4 km, cạnh cây xăng bên phải, có con đường nhựa nhỏ dẫn vào tới cuối đường, cổng tam quan lớn hiện ra sừng sững, trang nghiêm như đón chào những người con Phật ghé thăm.

   Sở dĩ gọi là Thiền đường vì khi mới thành lập (khoảng 1985, 1986), được sự chỉ dạy của Thiền sư Duy Lực, các thầy chỉ gầy dựng một ngôi Thiền đường, vốn là một trang trại nho nhỏ bằng tranh, tre, nứa đủ để khoảng 20 người ở tu, dưới danh nghĩa là Tổ hợp trồng cây điều mang tên Đồng Tâm để xin khai khẩn đất hoang. Lúc bấy giờ hoàn cảnh cơ cực, thiếu thốn nên mọi người không nghĩ đến việc xây dựng quy mô một ngôi thiền viện. Đến ngày 18-8-1987 (24-7-Đinh Mão), sau khi được cấp phép xây dựng, Hòa thượng Thiện Đức mới tiến hành làm lễ Đặt đá và đặt tên là Thiềng Đường Liễu Quán I (vì cách đó khoảng 4 cây số có một ngôi Thiền đường trước đó được xây năm 1984. Sau này ngôi Thiền đường đó cũng mang tên Thiền đường Liễu Quán II dành cho chư ni). Liễu Quán là pháp hiệu của một Thiền sư kiến tánh (1670-1742) người Phú Yên, nối pháp Thiền sư  Minh Hoằng – Tử Dung (người Hoa), Trụ trì chùa Ấn Tôn (chùa Từ Đàm, Huế ngày nay) thuộc nhánh Thiền Dương Kỳ Phương Hội (thuộc dòng Lâm Tế). Chọn tên cho Thiền đường là Liễu Quán nhằm nhắc lại công hạnh của một thiền sư Việt Nam cũng tu pháp tham thoại đầu mà được kiến tánh (Ngài tham câu “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?” – Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?).

   Tổng diện tích Thiền Đường Liễu Quán 1 gần 13 héc-ta, cộng thêm hơn 4.500m2 đất trồng rừng, do chư tăng khai khẩn đất hoang. Mặc dù gọi là Thiền Đường, nhưng quy mô hiện nay không khác gì một ngôi thiền viện. (Thiền đường chỉ là một hạng mục trong tổng thể của một thiền viện dành cho thiền giả tọa thiền). Thiền Đường Liễu Quán 1 được chia thành hai khu, khu bên cạnh núi dành cho chư Tăng, khu phía ngoài dành cho chư ni. Hai khu cách nhau một con đường cắt ngang có rào chắn. Khu dành cho chư tăng được xây dựng các hạng mục gồm: Chính điện, Trai đường nối các phòng tăng. Bên phải từ ngoài nhìn vào là Thiền đường với sức chứa hơn 100 hành giả có thể tọa thiền hoặc thiền hành. Nơi đây thường được dùng làm chỗ tu tập của chư hành giả khi tổ chức các khóa tu như Thiền thất, khóa tu Mùa hạ, Mùa đông, thường có trên cả trăm hành giả. Điều khiến cho nhiều hành giả thích thú là khung cảnh mát mẽ, thanh u dễ chịu.

   Khu vực bên ni cũng không kém phần yên tịnh và mát mẽ nhà những tàng cây rọp bóng. Bao quanh là vườn cây ăn trái như xoài, sa po, mít cùng nhiều loại cây khác bốn mùa cho hoa trái.

   Vị Trụ trì đầu tiên nơi đây là Hòa thượng Thích Thiện Đức, người Sài Gòn nhưng đã rời gia đình đi tu từ 14 tuổi. Quá trình cầu đạo cho đến khi gặp Thiền sư Duy Lực, rồi dựng lập Thiền đường là cả một câu chuyện dài đầy gian truân trắc trở và thú vị. Ngày 09-4-2022 (09-3-Nhâm Dần), Hòa thượng thu thần thị tịch, người kế vị là Hòa thượng Thích Huệ Minh, Tổng thư ký Tông phong Tổ sư thiền.

   Theo đường lối tu hành của Thiền sư Duy Lực, nơi đây chuyên dụng công Tham thoại đầu, là một trong những pháp tu của Tổ sư thiền. Thiền sư Duy Lực đã từng đặt chân đến đây để sách tấn, chỉ dạy pháp tu cũng như tổ chức đời sống thiền đường. Mỗi ngày chư tăng, ni và cư sĩ hành giả tuân thủ giờ giấc nghiêm mật như:

  • 03:30 thức chúng
  • 04:00 – 05:40 Chấp tác (làm vệ sinh chung quanh)
  • 06:00 – 10: 50 Tọa thiền – thiền hành
  • 11:00 Thọ trai (cơm trưa) – thiền trà
  • 12:00 – 13:30 Chỉ tịnh – thức chúng
  • 14:00 – 17:00 Tọa thiền – thiền hành
  • 17:00 – 18:30 Công việc cá nhân
  • Chủ nhật: buổi sáng từ 07:00 – đến 09:00 lao động tập thể
  • Mỗi tháng có họp chúng 1 lần vào 15:00 ngày 29 âm lịch. (Hình thức như tiệc trà nhưng có chủ đề nhằm xây dựng đời sống cộng trú)

CÁC NGÀY LỄ HẰNG NĂM:

  Lễ Húy nhựt Hòa thượng Thích Thiện Đức, Đệ nhất trụ trì: Mùng 8-9/3 âm lịch.

  Lễ Phật đản (nội bộ): Rằm tháng Tư âm lịch.

 Lễ Kỷ niệm chu niên ngày Thành lập Thiền Đường Liễu Quán I: 23-24/7 âm lịch.

  Lễ Húy nhựt Hòa thượng Khai sơn (Thiền sư Thích Duy Lực).

  Xuân Di Lặc: Mùng 1 tháng Giêng âm lịch: chư hành giả được nghỉ tu từ 08:00 đến 17:00 (buổi khuya và tối vẫn tu mỗi buổi 2 tiếng).

 

   Số hành giả thường xuyên có thay đổi, khi thì khoảng 30 vị, khi thì chưa tới 20 vị (cả tăng, ni và cư sĩ). Hiện nay Thiền Đường Liễu Quán 1 vẫn thường xuyên duy trì các khóa tu cũng như thời khóa hằng ngày. Đây là một trong những trú xứ có không khí tu hành ổn định tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

 

Thông Tin Liên Hệ

Trụ Trì

Hòa Thượng Thích Huệ Minh

Số Điện Thoại : 0377676990

khóa tu

Thời Khóa Tu Mùa Hạ

8/4 – 8/7 (AL) Quý Mão
Khuya: 4:00 – 6:00 AM
Sáng: 8:00 – 11:00 AM
Chiều: 14:00 – 17:00 PM
Tối: 18:30 – 20:30 PM

khoa tu

Thời Khóa Tu Ngày Thường

Khuya: 4:00 – 6:00 AM
Sáng: 8:30 – 11:00 AM
Chiều: 14:30 – 17:00 PM
Tối: 18:30 – 20:30 PM


Địa Chỉ

Thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Giờ mở Của

Cả Ngày

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.